Những lưu ý cần biết khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang
Nội dung
Thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang là phương pháp tận dụng khoảng không gian phía dưới cầu thang để làm nhà vệ sinh. Lối thiết kế này tuy không quá mới nhưng vẫn đang rất được thịnh hành ngày nay, đặc biệt là đối với những căn nhà ống phổ biến.
Tuy nhiên, cũng có một vài điểm lưu ý mà gia chủ cần quan tâm khi thiết kế nhà vệ sinh dạng này. Cùng Butterfly Decoration tìm hiểu những lưu ý cần biết khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang nhé.
Ưu điểm khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang
Thông thường khu vực bên dưới cầu thang sẽ là nơi có diện tích rất hạn chế, khoảng không gian này rất khó có thể thiết kế hoàn hảo thành một căn phòng riêng. Một vài gia đình sẽ dùng khu vực này để làm một nhà kho nho nhỏ, bên cạnh đó cũng có rất nhiều gia đình chọn nơi đây để thiết kế một nhà vệ sinh đơn giản.
Đối với những căn nhà có diện tích mặt bằng khiêm tốn, việc bố trí phòng khách và bếp đã gần như chiếm gần hết không gian ở tầng trệt. Giải pháp tận dụng không gian dưới cầu thang để làm nhà vệ sinh thật sự rất tiện lợi.
Nhà vệ sinh dạng này thì chỉ cần là nhà vệ sinh cơ bản với bồn rửa tay, bồn cầu và vòi hoa sen là đủ để mang lại sự tiện nghi cho các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, nếu thiết kế một cách khéo léo, một nhà vệ sinh đẹp mắt sẽ được thay cho một gầm cầu thang trống đơn điệu, đây sẽ trở thành một điểm nhấn rất độc đáo cho không gian căn nhà của gia chủ.
Những lưu ý khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang
Yếu tố phong thủy
Đây có lẽ là điều băn khoăn của hầu hết các gia đình muốn thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang. Theo phong thủy trong xây dựng thì cầu thang không chỉ là nơi di chuyển giữa các tầng mà còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là luân chuyển sinh khí lưu thông giữa các không gian bên trong ngôi nhà.
Khu vực bên dưới cầu thang thường nằm giữa ngôi nhà, là nơi mà dòng sinh khí được lan tỏa đến các không gian khác. Trong khi đó, khu vực nhà vệ sinh lại là nơi tập trung của âm khí, cũng không phù hợp để đặt gần khu vực cầu thang. Chính vì thế, thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang theo phong thủy có lẽ một phương án chưa hợp lý.
Tuy nhiên, gia chủ không cần băn khoăn về những bất lợi khi thiết kế nhà vệ sinh dưới gầm cầu thang. Trong một số trường hợp vì sự hạn chế của diện tích căn nhà hoặc hướng đất của căn nhà mà gia chủ bắt buộc phải thực hiện phương án thiết kế nhà và bố cục phòng ốc thế này, thì Butterfly Decoration xin giới thiệu một số cách hóa giải như sau:
- Khi thi công nhà vệ sinh, gia chủ nên chọn những loại đá có dương khí mạnh mẽ như đá thạch anh bảo bình để hút hết âm khí trong nhà vệ sinh.
- Đặt nhà vệ sinh ở góc xéo, không đặt trực diện nhà vệ sinh ở cửa ra vào hoặc khu vực phòng bếp.
- Tạo một ô cửa sổ nhỏ phía bên trong nhà vệ sinh hoặc lắp đặt hệ thống quạt hút, quạt thông gió để giải tỏa âm khí ra ngoài.
- Luôn giữ cho căn phòng sạch sẽ.
- Đặt các loại tinh dầu, nến thơm, sáp khử mùi để lấn át âm khí.
- Sử dụng thêm cây xanh để trang trí. Gia chủ chú ý lựa chọn các loại cây xanh phù hợp với tuổi và mệnh của gia chủ nhé.
Diện tích và công năng
Một trong những lưu ý mà gia chủ cần phải quan tâm, đó chính là cân đối giữa công năng và diện tích của nhà vệ sinh.
Do đặc thù về mặt diện tích có phần tương đối hạn chế nên khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang, gia chủ chỉ nên thiết kế cũng như thi công các chức năng cơ bản của nhà vệ sinh và nhu cầu thiết yếu của con người như rửa tay, tắm và đi vệ sinh.
Kích thước tiêu chuẩn khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang
Để có thể tối ưu được công năng của nhà vệ sinh và không làm ảnh hưởng đến bố cục chung của toàn bộ căn nhà, các chuyên gia đã đưa ra một vài thông số tiêu chuẩn cho kích thước của nhà vệ sinh dưới cầu thang như sau:
- Cửa nhà vệ sinh sẽ có các kích thước: 2.3m x 1.02m, 2.1m x 0.82m, 1.9m x 0.68m.
- Chiều cao trần tối thiểu phải đạt từ 2m trở lên, tối ưu nhất là 2m2.
- Khoảng cách từ bồn rửa đến sàn thông thường sẽ nằm trong khoảng từ 82cm đến 85cm.
- Chiều cao vòi sen tốt nhất là từ 1m7 trở lên, hợp lý nhất là trong khoảng từ 1m7 đến 1m75.
- Gạch ốp tường nên sử dụng gạch vuông 20x20cm hoặc gạch chữ nhật 20x30cm.
- Gạch lát nền tốt nhất nên dùng gạch vuông 20x20cm.
Gia chủ có thể dựa vào các kích thước tiêu chuẩn trên để thiết kế nhà vệ sinh trước, sau đó tính toán đến việc thiết kế cầu thang có diện tích tương ứng.
Khử mùi hôi cho nhà vệ sinh
Thông thường, nhà vệ sinh dưới cầu thang sẽ được đặt ở khu vực gần giữa nhà, cho nên việc xử lý mùi hôi không tốt sẽ gây ra ảnh hưởng rất xấu đối với không khí chung của toàn căn nhà. Một số biện pháp khử mùi cho nhà vệ sinh nói chung và nhà vệ sinh dưới cầu thang nói riêng thường được áp dụng như là:
- Thiết kế hệ thống cửa sổ, cửa thông gió, lắp đặt các loại quạt hút, quạt thổi để đẩy mùi hôi ra ngoài.
- Đặt các các loại cây xanh hoặc các loại hoa có hương thơm, hoặc có tác dụng thanh lọc không khí, khử mùi hiệu quả.
- Sử dụng tinh dầu thiên nhiên, nến thơm hoặc các loại sáp thơm.
Một số mẫu thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang tham khảo
Thiết kế kết hợp bồn rửa tay và bồn cầu
Đây là dạng thiết kế sử dụng nội thất thông minh, giúp tiết kiệm tối đa diện tích không gian bên trong nhà vệ sinh. Thiết kế này sử dụng bồn cầu với phần chứa nước kết hợp với bồn rửa tay. Khi sử dụng nước để tay, phần nước đó sẽ được chuyển xuống khu vực bồn cầu, rất tiết kiệm.
Sử dụng gạch ốp và sơn tường màu sáng
Hầu hết khu vực dưới cầu thang sẽ khá tối và tù túng, trong nhiều trường hợp còn không có cả cửa sổ. Gia chủ nên sử dụng các loại màu sơn và gạch ốp màu sáng, như vậy sẽ rất có lợi cho việc phản chiếu ánh sáng, giúp cho không gian trong nhà vệ sinh có cảm giác rộng hơn, thoáng hơn và sáng sủa hơn.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể sử dụng các loại gạch ốp có độ bóng cao để tăng thêm độ phản chiếu cho căn phòng. Trường hợp sử dụng gạch có độ bóng cao, gia chủ nên cân nhắc sử dụng các loại gạch có màu nhạt và nhẹ nhàng, như thế sẽ đỡ bị rối mắt.
Sáng tạo với giấy dán tường
Nếu gia chủ cảm thấy quá nhàm chán với các màu sơn tường thông thường, hoặc gia chủ chỉ thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang như là một nhà vệ sinh phụ và không muốn đầu tư quá nhiều chi phí cho việc ốp gạch, nhưng vẫn muốn nhà vệ sinh này có một nét đẹp ấn tượng, hãy thử giấy dán tường nhé.
Giấy dán tường ngày nay rất đa dạng về kiểu dáng và thiết kế, gia chủ có thể thoải mái lựa chọn và sáng tạo nên không gian độc đáo trong nhà vệ sinh này với một mức chi phí rẻ bất ngờ.
Tối đa hóa không gian với phụ kiện treo tường
Để có thể tận dụng hết mức không gian hạn chế này, khi thiết kế nhà vệ sinh dưới cầu thang, gia chủ nên ưu tiên sử dụng các loại nội thất treo tường như kệ treo trường, bồn cầu treo, bồn rửa tay treo tường. Như vậy vừa có thể dọn dẹp một cách dễ dàng lại vừa tạo thêm không gian trống cho nhà vệ sinh nhỏ bé này.